Đen Vâu - Anh “công nhân” của rap Việt

Share it:

Nằng nặc từ chối lời mời ra quán cà phê để thực hiện phỏng vấn của tôi, rapper Đen (Nguyễn Đức Cường) – tác giả của ca khúc “Đưa nhau đi trốn” đình đám chỉ muốn ngồi ở hàng trà đá ven đường.


Trong cuộc phỏng vấn ấy, tôi nhận ra Đen rất khác so với các nghệ sĩ trẻ cùng thời. Anh ghét màu mè, hoa mỹ; không muốn bị áp lực và đặc biệt là sợ… nổi tiếng quá mức.
Câu đầu tiên chẳng hề liên quan đến âm nhạc nhưng tôi vẫn muốn hỏi Đen bởi đây là thắc mắc của rất nhiều khán giả. Anh sống tại Quảng Ninh nhưng giọng nói của anh lại là giọng miền Nam. Tại sao lại như vậy?
À, bố mẹ tôi đều là người gốc Bắc. Hai ông bà vào trong Nam lao động, quen nhau, lấy nhau rồi sinh ra tôi trong đó. Đến năm lớp 8, gia đình tôi chuyển ra ngoài Hạ Long ở nên giọng tôi hơi bị lai lai.
anh cong nhan cua rap viet
Rapper Đen (Nguyễn Đức Cường).
Với tôi, việc được sống ở nhiều nơi như vậy là một may mắn. Mỗi địa phương có một cách sống khác nhau và điều này phần nào ảnh hưởng đến đến âm nhạc của tôi.
Đen đã theo đuổi rap khá lâu nhưng phải đến khi cho ra đời ca khúc “Đưa nhau đi trốn” thì tên tuổi của anh mới được đông đảo khán giả biết tới. Anh có nghĩ đó là cột mốc trong sự nghiệp của mình hay không?
Nếu người ngoài nhìn vào thì bài “Đưa nhau đi trốn” đúng là một cột mốc trong sự nghiệp của tôi. Nhưng với bản thân  tôi, bài “Ngày lang thang” mới đúng là cột mốc. Nó đánh dấu sự thay đổi trong suy nghĩ viết nhạc của tôi.
Đưa nhau đi trốn - Bài hát đoạt giải Ca khúc rap/ hip hop được yêu thích nhất của Zing Music Awards 2015.
“Ngày lang thang” ra đời vào năm 2014 sau khi tôi có một chuyến đi du lịch bằng xe máy từ Hạ Long đến Hà Giang. Trước đó, tôi cứ than thân trách phận rằng sao cuộc đời mình lại khổ sở, đơn độc như thế. Nhưng trên đường đi, tôi được thấy cảnh núi rừng hùng vĩ của đất nước, thấy được cuộc sống của bà con dân tộc… Từ đó, tôi nhận ra cuộc sống của mình vẫn còn no đủ, còn sung sướng hơn rất nhiều người. Tôi tự thấy mình trước nay đã quá ích kỷ, trẻ con. Từ đó, tôi bắt đầu nghĩ tới những điều tích cực hơn trong cuộc sống và sáng tác những bài nhạc tươi vui hơn.
Dân ta rap kiểu ta
Văn hóa Hiphop nói chung và nhạc rap nói riêng bắt đầu nở rộ tại Việt Nam vào năm 2004. Vậy sau hơn 10 năm, anh nhận thấy chặng đường mà rap Việt đã đi như thế nào? Liệu dòng nhạc này đã được mọi người nhìn nhận, coi trọng đúng mức hay chưa?
10 năm nghe có vẻ dài nhưng thực sự chẳng đáng là bao so với lịch sử phát triển của rap thế giới. Rap Việt đã được nhìn nhận tích cực hơn rất nhiều so với khi nó mới được phổ cập. Hiện tại, vào bất kỳ trang nhạc nào, chúng ta cũng có thể thấy các bài rap, cả mainstream (chính thống) lẫn underground (không chuyên).
Nhưng thực sự, rap vẫn chưa được coi trọng ở Việt Nam. Nhiều người vẫn chỉ coi nó là phần đệm vào các bài hát pop cho thêm sinh động. Các bài rap biểu diễn trên sân khấu lớn cũng chưa mang hết được tinh thần tự do, phóng khoáng của loại nhạc đường phố này. Nội dung của các ca khúc ấy chỉ quẩn quanh trong đề tài tình yêu đôi lứa. Câu từ trong bài nhạc cũng chưa đào sâu suy nghĩ.
Rap là cuộc chơi của con chữ. Trong một lần trả lời phỏng vấn trên truyền hình, Suboi từng nói một câu mà tôi rất tâm đắc: “Tiếng Việt mình rất giàu và đẹp. Rap chính là thứ âm nhạc tốt nhất để thể hiện sự giàu đẹp ấy”.
Tôi cũng biết rằng, rap Việt vẫn bị một bộ phận người nghe chê trách, đặc biệt về ca từ. Là một rapper, tôi không phật lòng mỗi khi nghe những lời chê ấy bởi khán giả đã chê đúng. Phong tục, văn hóa mỗi nước là khác nhau. Tôi đồng ý là phải học hỏi từ nước ngoài nhưng người nghệ sĩ vẫn phải có những tìm tòi, thay đổi để cho ra những sản phẩm ra được bản sắc của Việt Nam, đúng với thuần phong mỹ tục.
Nếu nói năm 2004 là một cú nổ lớn của rap Việt thì hiện tại rap Việt có còn cháy hay đã nguội lạnh?
Tôi cho rằng giai đoạn 2004 chính là thời hoàng kim của rap Việt. Nhưng hồi đó, đa phần các rapper chỉ coi môn nghệ thuật này là một thú chơi để giải phóng năng lượng của tuổi trẻ. Giờ đây, rất nhiều rapper đã có thể sống bằng chính việc sáng tác và biểu diễn nhạc. Rap Việt hiện tại không còn bùng cháy như cháy đây hơn 10 năm nhưng tôi tin ngọn lửa của nó lúc nào cũng âm ỉ.
anh cong nhan cua rap viet
Rapper Đen (bên trái) cùng ca sĩ Lynk Lee biểu diễn tại chương trình Muôn màu Showbiz của VTV3.
Đam mê nhưng không dễ dãi
Tôi được biết, Đen đã bỏ công việc ở Quảng Ninh để đi theo niềm đam mê sáng tác và biểu diễn. Đến thời điểm hiện tại, anh đã có thể kiếm sống từ rap hay chưa?
Hiện tại thì tôi đã có thể sống bằng rap.
Có nghệ sĩ từng nói rằng: “Âm nhạc chỉ nên là 1 cuộc chơi. Khi đặt vấn đề tiền bạc vào âm nhạc thì cảm hứng sẽ mất đi ít nhiều”. Anh thì thế nào?
Tôi rất thích suy nghĩ ấy. Tôi rất sợ khi phải làm nhạc mà chịu sự chi phối của cái gì đó nên hiếm khi nhận viết nhạc theo đơn đặt hàng. Hiện tại, việc sáng tác và biểu diễn mang lại cho tôi một khoản tiền đủ để trang trải cho cuộc sống, lo cho gia đình. Với số còn lại, tôi lại đầu tư vào các sản phẩm âm nhạc tiếp theo. Đủ sống, tự do lại được theo đuổi đam mê, tôi thấy vậy là hài lòng.
Tuy nhiên, tôi không muốn chỉ vì đó là đam mê mà tôi lại không chuyên nghiệp. Theo tôi nghĩ, để rap được đông đảo công chúng công nhận chẳng có gì khó. Để được công nhận, người nghệ sĩ chỉ cần làm nhạc thật hay. Nhưng nếu nghệ sĩ không chuyên nghiệp thì không thể làm nhạc hay được.
Đen biểu diễn trong chương trình streetshow của Lễ hội âm nhạc quốc tế Monsoon.
Album đầu tay của Đen chỉ phát hành hơn 300 bản và bán hết ngay chỉ sau 2 ngày. Trên Facebook, anh chia sẻ rằng vì lý do kinh phí nên anh không dám làm nhiều hơn. Tại sao anh không chọn phương án gây quỹ cộng đồng (crowfunding) để làm album?
Đó là quan niệm cá nhân của tôi thôi. Tôi có 1 cái album, khán giả thích nghe nên bỏ tiền ra mua nó. Tôi không muốn mọi người bỏ tiền ra, chờ đợi, kỳ vọng vào sản phẩm của tôi rồi thất vọng. Bản thân tôi khi cầm tiền trước của mọi người cũng sẽ bị áp lực khi làm nhạc. Âm nhạc là cảm hứng mà! Có những bài 1, 2 tuần là đã ưng ý nhưng có bài viết nửa năm chưa xong. Ai mà đợi mình được!?
Tôi hỏi câu này hơi buồn cười. Nhưng theo anh thì tại sao nhạc của anh lại hấp dẫn người trẻ như vậy?
Câu này khó trả lời thật. Trả lời không khéo thì mình lại thành ra khoe khoang. Nhưng tôi nghĩ, một người làm nhạc phải hiểu nhạc mình được và chưa được chỗ nào. Mọi người thích nhạc của Đen có lẽ trước tiên vì giai điệu “bắt tai”.
Anh cũng biết đấy, tôi từng làm công nhân vệ sinh trên biển ở Quảng Ninh. Tôi viết nhạc dựa trên những câu chuyện thật mà tôi gặp trong cuộc sống. Những câu chuyện ấy rất bình thường nên nhiều người sẽ thấy chính bản thân mình trong các bài nhạc. Vì thế, họ yêu thích các ca khúc của tôi.
Những người làm nhạc "tử tế"
Vào cuối tháng 10 này, anh và các bạn trong diễn đàn Anh em rap trước đây sẽ tổ chức đêm nhạc Tử Tế lần thứ 6. 6 năm liệu đã phải là một chặng đường dài với các anh?
Dài chứ! Tử Tế ban đầu chỉ là một buổi gặp mặt, “khoe” các bài nhạc tự sáng tác của anh em rapper trên khắp cả nước. Chẳng ai nghĩ nó sẽ trở thành một đêm nhạc lớn như hiện nay.
anh cong nhan cua rap viet
Tử tế 6 có điểm gì khác so với những show diễn của các năm trước?
Nói qua một chút về cái tên chương trình nhỉ. Chẳng phải là khoe khoang mình là người Tử Tế đâu, cái tên ấy là để nhắc nhở anh em rapper phải nghiêm túc làm nhạc để cho ra những tác phẩm chất lượng. Để cho ra đời một bài rap chất lượng, người nghệ sĩ phải lao động nghiêm túc chứ tuyệt đối không nhảm nhí, dễ dãi. Vì thế, chương trình vẫn sẽ là một đêm nhạc mà bọn mình giới thiệu những ca khúc như vậy.
Nếu có khác thì là khác trong tâm lý của anh em nghệ sĩ. Bọn mình ngày càng định hình được con đường, phong cách của từng người. Những tác phẩm của bọn mình giờ đây cũng đã chuyên nghiệp hơn.

Share it:

note

Post A Comment: