Rap Việt vẫn luôn là đứa con hoang, đứa con rơi, đứa con nuôi, nếu đem so nó với âm nhạc thị trường và âm nhạc chính thống tại Việt Nam. Mọi thứ thuộc về dòng nhạc này đều đi ngược lại thuần phong mỹ tục và quan niệm sống trên mảnh đất hình chữ S. Điều gây kinh ngạc và khó chịu nhất đối với các bậc phụ huynh, nhà trường, chính quyền và xã hội đó là việc nhạc rap ca ngợi cái tôi, khích lệ sự phản kháng, tôn vinh những tên tội phạm đầu đường xó chợ và khuyến khích người nghe phá vỡ mọi luật lệ! Chẳng ai ở đây, trên mảnh đất của nho giáo, nơi con người có tôn ti trật tự, biết trên biết dưới, trung thành với Đảng và nhà nước, muốn con em mình trở thành những kẻ hư hỏng, xăm hình, ăn mặc hở hang, bợm nhậu, hút hít, tình dục, cờ bạc, bạo lực…
Thế nhưng bằng cách nào đó, nhạc rap đã ăn sâu vào máu nhiều cô cậu mới lớn!? Phải chăng những quy tắc, luật lệ của gia đình, chính quyền và nhà trường, khi được áp đặt một cách quá nghiêm khắc, sẽ tạo nên một nhà tù tinh thần, nơi đó có những người trẻ muốn vùng vẫy để tìm thứ giải phóng tâm hồn họ? Nhạc rap chắc là một phần của sự giải phóng đó.
Tưởng như nó sẽ chỉ mãi là một dòng nhạc cho đám trẻ con bụi đời hư hỏng nghe, nhưng không, nó trở nên cái gì đó có vẻ nguy hiểm hơn nữa. Tôi tình cờ thấy đứa cháu đăng status trên facebook về một bài nhạc tên là Làm Việc Nước. Tò mò, không hiểu đám rapper “làm việc nước” kiểu gì, tôi click vào xem. Xem lần đầu thì chỉ thấy một đám loi nhoi quậy phá, hút hít, gái gú hở hang, chửi đời chửi người và ra vẻ ta đây. Tên bài nhạc và lời nhạc chẳng ăn nhập gì cả. Hỏi đứa cháu xem nó thấy cái này có gì hay thì nó bảo cái này ẩn dụ lắm phải nghe nhiều mới hiểu được. Chịu khó xem đi xem lại, suy ngẫm về ca từ và cách dàn dựng clip, thì tôi vỡ lẽ ra. Video clip bài nhạc này như một trái hành tây vậy, quá nhiều lớp nghĩa, và rát bỏng cả mắt.
Có phải chỉ trẻ con hư hỏng, hay là người lớn cũng hư hỏng? Cụ thể hơn, những người lãnh đạo đất nước ta có hư hỏng? Việt Nam là một trong những nơi có tỉ lệ tham nhũng cao nhất thế giới. Giới lãnh đạo là những vua chúa thời hiện đại, với của cải đất đai ít ai bì kịp. Thông tin về những buổi ăn chơi trác táng của đám con ông cháu cha chắc chỉ là một phần nổi nhỏ của tảng băng thác loạn. Thằng con chơi như thế thì các ông các bác chơi cỡ nào? Tiền của đó từ đâu ra?
Xin thưa, từ thuế của nhân dân. Từ tiền hối lộ quà biếu mỗi lần có ai xin xỏ việc gì. Từ việc ăn chặn, bòn rút thi công, khiến mặt đường hư hỏng, cầu cống sập đổ, gây cản trở giao thông và thiệt mạng bao nhiêu người. Từ tiền bán đất đai biển đảo của tổ tiên cho đám giặc Trung Quốc. Ngay trong nội bộ cũng có sự tranh giành quyền lực và chia phe, không khác gì ngày xưa Lê Duẩn giành quyền của Hồ Chí Minh.
Trong clip có nhiều chi tiết thú vị. Tất cả ca từ và cảnh quay đều ít nhiều liên quan đến “nước”. Có nhân vật bị ba người truy đuổi, bắt cóc, bịt mặt, trói tay trói chân. Đó phải chăng là con người Việt Nam đang bị chính giới cầm quyền của họ kiềm hãm? Lại có nhân vật tóc dài mang kính giấu súng dưới gầm bàn, có vẻ là cùng phe với người bị bắt, rút súng ra và hét lên: “Thật là nhục khi thằng nào đó bán nước! Tao thì không, tao đơn giản là làm nước.” Kẻ bị chửi là bán nước thì đeo đầy vàng bạc, đồng đội của hắn ta cũng mặc đồ tướng tá của Liên Xô cũ… Những cô gái trong clip đóng vai trò gì? Có phải chỉ đơn giản là khoe các phần của cơ thể để đánh lạc hướng dư luận và làm đầu óc của giới trẻ trở nên nhớp nhúa, như cách mà nhà nước vẫn sử dụng truyền thông và showbiz, hay còn ý gì khác? Có một cô đã tuồn dao lam giải cứu cho tù nhân. Phải chăng cô đã phản bội phe “Bán Nước” và đi theo phe ‘Làm Việc Nước”? Gã tù nhân vùng dậy lật bàn, khiến những quân cờ rơi lổn ngổn trên mặt đất. “Vật đổi sao dời” là thế?
Có nhiều câu hỏi được đặt ra sau khi xem xong video này. Đầu tiên, ý tưởng là của ai? Video được đạo diễn bởi một tay tên là Hải Bắc. Tìm facebook của Hải Bắc không khó. Anh ta chia sẻ:
“Vài dòng tâm sự về dự án MV đầu tay. Đây là thành quả của hơn 4 tháng làm việc, của cả đội ngũ sản xuất, hậu kỳ, âm thanh. Một sự kết hợp của những anh em nghệ sĩ, kỹ thuật viên đã trải qua bao nhiêu giờ làm việc để đem lại một tác phẩm mà không một ai có thể rời mắt khỏi khi xem. Tôi biết gia đình tôi muốn những điều tốt đẹp nhất đến với tôi, nhưng con chân thành xin lỗi vì đã làm trái với ý muốn của mọi người. Cho dù nó có mang hơi hướm bạo lực, dâm dục, kích động, lời lẽ phản động, tôi xin chịu hết những chỉ trích và hệ luỵ từ việc công bố tác phẩm này. Vì đó là TÂM HUYẾT và là cái để tôi đáng tự hào. MV Làm Việc Nước – Một tác phẩm chung sức ra đời bởi những cá nhân yêu thích và tôn trọng nghệ thuật.”
Đây chẳng phải là một cái đầu rất “RAP” đó sao? Anh ta bất chấp gia đình ngăn cản, dám chấp nhận mọi lời dèm pha và hậu quả từ hành động của mình, vì tin rằng MV Làm Việc Nước là một tác phẩm nghệ thuật. Đây là một hành động can đảm hiếm có. Nó dẫn chúng ta đến câu hỏi tiếp theo.
Câu hỏi thứ hai, quan trọng hơn, liệu ý tưởng này là của một mình anh ta, hay còn có sự giúp đỡ và hậu thuẫn của ai khác? Việc quy tụ tất cả nhân lực để thực hiện video tầm cỡ và kỹ thuật cao này cần một nguồn tiền lớn. Ai là người tài trợ? Clip được tung ra ngày 22/12, ngày thành lập Quân Đội Nhân Dân Việt Nam, và với nội dung thế này thì không khác gì thách thức Đảng và Nhà nước. Ai là người có gan để làm chuyện này? Có khi nào là một phe từ nước ngoài chứ không phải trong nước?
Ở nước ngoài, âm nhạc được hoạt động tự do, còn ở Việt Nam phải có sự kiểm duyệt. Nếu nhạc rap nhận được nhiều giải thưởng tại sân chơi của những đất nước phương Tây thì tại Việt Nam nó chết từ vòng giữ xe, vì không thể nào lọt qua được con mắt dò xét của Bộ Văn Hóa. Những nhân vật tham gia “Làm Việc Nước” ắt đã lường trước được hậu quả và sẵn sàng “chịu hết những chỉ trích và hệ luỵ từ việc công bố tác phẩm này”. Chính quyền sẽ làm gì với họ, có trời mới biết. Điều đáng nói ở đây, chính quyền có thể bắt những tay rapper và đạo diễn này, nhưng sẽ lại còn những tay rapper và đạo diễn khác. Họ đã không chặn nhạc rap ngay từ ngày đầu và đã để cho đứa con hoang hư hỏng này lớn quá nhanh. Họ không biết ai là kẻ đứng đằng sau dựt dây những tay rapper này. Công an lại càng không thể bắt hết người dân và con em họ chỉ vì chúng uống rượu, nhảy nhót và hát theo lời bài Làm Việc Nước. Trên hết, không có tay công an nào dám cản việc đám con ông cháu cha Làm Việc Nước. Vì trách sao được, chính chúng là người sẽ đồng cảm nhất với nội dung ăn chơi thác loạn mà video và ca từ của bài này truyền tải.
Tôi nhớ lại những năm 60-70 ở nước Mĩ, khi mà thanh niên Mĩ tham gia biểu tình chống chiến tranh Việt Nam. Có những tên hippie sử dụng cần sa và LSD, ca hát và trần truồng, để kêu gọi hòa bình. Làm Việc Nước cũng na ná vậy. Họ là những thanh niên bất cần, phản cảm, nhưng có bản lĩnh và đầu óc. Gieo một hạt giống xuống, nó nở thành cái cây. Gieo một ý tưởng xuống, nó trở thành một cuộc cách mạng. Có khi người lớn chúng ta cũng nên vừa nhậu vừa lẩm bẩm “tao đang làm việc nước, đúng rồi, công việc đó cứ để tao lo cho.” Vì nếu để chúng ta lo chắc chắn sẽ tốt hơn là để cho đám trẻ dại non nớt lo. Chúng ta có đủ can đảm để bất chấp hậu quả mà đối đầu với phe “Bán nước” hay không? Lần cuối chúng ta nghĩ đến chuyện “Làm Việc Nước” là khi nào? Có lẽ là rất lâu rồi. Chúng ta đã chạy trốn bổn phận đó, mải mê trong những quán “nước”, cà phê, bia rượu, mà quên mất đất nước đang dần suy tàn và lâm nguy. Bà bán nước ơi, chắc tôi phải tính tiền mà đi ra ngoài kia lo việc nước đây.
Post A Comment: